Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam - Mercantile Exchange of Vietnam sẽ bắt đầu hoạt động từ 16/07/2018.
Danh mục hàng hóa dự kiến được niêm yết trên sàn của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ gồm 40 mặt hàng chủ lực, trong đó có những mặt hàng Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu và những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn để phục vụ sản xuất, kinh doanh như gạo, đường, cà phê, cao su, hạt tiêu, đậu nành, ngô, hạt điều, chè, bông, nhôm, đồng, sắt, thép...
Đây là tổ chức duy nhất hoạt động trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa được cấp phép bởi Bộ Công thương, cung ứng các giao dịch hàng hóa kỳ hạn và vật chất cho các cá nhân và tổ chức có đăng ký kinh doanh phù hợp pháp luật Việt Nam.
Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược với các SGDHH lớn trên thế giới như London Metal Exchande; CME Group; Shanghai International Energy Exchage; Shanghai Future Exchange; Tokyo Commodity Exchange...
- Đối với nông dân: Hoạt động mua bán hàng hóa thông qua sở giao dịch hàng hóa sẽ giúp người nông dân có được công cụ bảo hiểm giá nhằm giảm thiểu được các rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh như sự rớt giá của cà phê, cao su...
- Đối với doanh nghiệp thương mại xuất nhập khẩu: có thể biết được giá cả chuẩn giao dịch các mặt hàng này theo từng chủng loại, từng tháng hợp đồng để chủ động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu.
- Đối với các nhà đầu tư cá nhân: sự ra đời của các đơn vị hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa sẽ đem đến một cơ hội đầu tư mới trong khi các kênh đầu tư truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Như vậy với hành lang pháp lý chặt chẽ, thuận lợi, cùng hoạt động quy củ của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, trong thời gian tới, hoạt động giao dịch hàng hóa tại Việt Nam sẽ khởi sắc, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nguồn: Bộ công thương